Chuyên mục
XNK và chế biến kinh doanh than

NHẬP KHẨU THAN: NHỮNG NGƯỜI ĐI TIÊN PHONG

Theo Quy hoạch điện VII, dự tính trong những năm tới, khi một loạt các nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, nhu cầu tiêu thụ than trong nước sẽ tăng mạnh. Ngoài việc khai thác than trong nước, Chính phủ đã giao cho ngành Than nhiệm vụ làm đầu mối chính nhập khẩu than để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của các ngành kinh tế trong nước, đặc biệt là ngành Điện. Hiện tại, một số đơn vị trong Ngành đã và đang thí điểm thực hiện công tác này. Đó là Công ty Xuất nhập khẩu than- Vinacomin và Công ty Chế biến than Quảng Ninh.
Rà soát tiến độ triển khai các quy hoạch điện, đến 2016-2017, hầu hết các công trình thủy điện công suất lớn và vừa đều đã đưa vào sử dụng, khai thác (tổng công suất thủy điện 17.000MW). Trong khi đó, vào cùng thời điểm, nhu cầu công suất cực đại toàn quốc sẽ lên tới 55.000MW. Như vậy, nguồn điện mới gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhiệt điện than, nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo, thậm chí điện hạt nhân. Theo tính toán, TKV chỉ có thể cung cấp lượng than phục vụ trên dưới 20.000MW điện, tương đương 60% lượng điện thiếu hụt sau khi trừ các nguồn thủy điện. Bởi ngoài các nhà máy nhiệt điện đốt than đang xuất hiện với tần số dày đặc, ngành Than còn phải phục vụ những hộ tiêu dùng lớn khác như xi măng, thép, hóa chất, luyện kim… trong nhiệm vụ chính trị của mình.

Căn cứ nhu cầu tiêu thụ than chất lượng cao của thị trường trong thời gian tới (chủng loại cám 5, cám 4, cám 3), Công ty Chế biến than Quảng Ninh đã phối kết hợp với Công ty CP Xuất nhập khẩu than (Coalimex) nghiên cứu công tác nhập khẩu than chất lượng cao về chế biến, pha trộn với nguồn than chất lượng xấu do TKV sản xuất. Nguồn than được nhập khẩu qua Coalimex bao gồm các nguồn than từ Bắc Triều Tiên, Liên bang Nga, Úc và Indonesia.

Đại diện Coalimex cho biết, nguồn than nhập khẩu của đối tác có cỡ hạt bình quân 0-30 mm, 50 mm và có chất bốc trung bình cao (nguồn than của Úc có chất bốc trung bình 18%, nguồn than từ Indonesia 13%). Để đảm bảo chất lượng than tiêu thụ cho thị trường trong nước, toàn bộ khối lượng than trên sẽ được chế biến đảm bảo cỡ hạt theo TCVN sau đó đem pha trộn với than do Tập đoàn sản xuất (nếu pha trộn với than cám 5a của Tập đoàn thì được than cám 3 và cám 4, nếu pha trộn với than cám TCVN được chế biến từ nguồn đất đá lẫn than thì đạt than cám 5a trở lên).

Sau khi tìm hiểu đặc tính của các chủng loại than, nhận thấy nguồn than anthracite của Nga có nhiều đặc tính tương đồng với than Việt Nam, đạt một số tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể pha trộn với nguồn than chất lượng xấu của TKV, Công ty Chế biến than Quảng Ninh đã chọn nguồn than của Nga. Vừa qua, Công ty đã nhập khẩu thí điểm 41.500 tấn than anthracite từ Liên bang Nga. Đây cũng là lô than đầu tiên có chất lượng cao được nhập khẩu về để pha chế, cung cấp cho thị trường nội địa, các nhà máy nhiệt điện, sẵn sàng đáp ứng một phần nhu cầu than cho điện khi nhu cầu nội địa tăng.

Ông Ngô Xuân Trường – Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh cho biết, sau khi tiếp nhận nguồn than trên, Công ty đã nghiên cứu, tiến hành pha chế. Chất lượng than sau chế biến đảm bảo quy cách sản phẩm theo chủng loại than, đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương cám 5aHG, các chỉ tiêu chất lượng ở mức trung bình theo TCVN 8910:2011, giá cả phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường, đã được bán cho một số nhà máy nhiệt điện đốt than theo hợp đồng TKV ký với các khách hàng.

“Nhập khẩu than với số lượng lớn một cách ổn định không hề đơn giản trong bối cảnh thị trường than thế giới ngày càng phức tạp, bởi phần lớn thị trường do các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… khoanh vùng nắm giữ. Ngoài việc chuẩn bị về tài chính và nguồn lực thì việc nhập khẩu thử nghiệm là hết sức quan trọng, tạo bước đệm cần thiết để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, từng bước thâm nhập thị trường nhập khẩu than thế giới, giảm thiểu những rủi ro khi thực hiện nhập khẩu than với số lượng lớn sau này” ông Trường chia sẻ.

Từ 3 năm trở lại đây, TKV nhập than thí điểm và đã tìm hiểu nhiều đối tác ở Indonesia, Malaysia, Úc, Nga, Ukraina. Năm 2011, Tập đoàn đã nhập chuyến tàu đầu tiên với 9.500 tấn than. Số lượng sẽ tăng dần từng năm và đến năm 2020 dự kiến khoảng 100 triệu tấn/năm; trong đó phần lớn là than bituminous có nhiệt năng từ 5.000-6.000 kcal/kg (cơ sở không khí khô) để cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Ngoài ra, đơn vị nhập khẩu cũng đặc biệt quan tâm đến việc nhập khẩu các chủng loại than mà các ngành công nghiệp ở Việt Nam đang có nhu cầu, nhất là ngành thép và xi măng.

Như vậy, nhập khẩu than cho nền kinh tế những năm tới không chỉ đơn thuần là bài toán kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị của TKV. Hãy cổ vũ cho những người đi tiên phong ở nhiệm vụ không dễ dàng này. Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 đang đến gần càng thấm thía câu “phi thương bất phú” hơn bao giờ hết…

(Nguồn: www.vinacomin.vn/ Tác giả: H.G)

Bài viết liên quan

Tìm kiếm